PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT cho rằng sẽ không có chuyện bỏ điểm sàn trong năm 2017.,
Dự thảo quy chế tuyển sinh chỉ đưa lên lấy ý kiến của xã hội với dự kiến Bộ GD sẽ không quy định điểm sàn chung nữa mà để cho các trường tự xác định điểm sàn của từng trường.
Ngày 15/1, ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2017 diễn ra tại trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) đã thu hút đông học sinh đến từ các trường THPT ở TPHCM và các tỉnh đến tham dự. Quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ có hàng loạt đổi mới khiến nhiều thí sinh lo lắng.
Các chuyên gia tư vấn trong ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2017 diễn ra tại trường ĐH Bách khoa TPHCM
Tại chương trình ngày hội, tham gia với vai trò chuyên gia tư vấn, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho rằng tuy năm nay thí sinh không bị giới hạn nguyện vọng đăng ký vào các trường, nhưng thí sinh cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin các ngành, trường học và cân nhắc kỹ lưỡng việc lựa chọn ngành học; không nên đăng ký dàn trải để tránh rối thông tin, khó chọn được ngành phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT chia sẻ thông tin mới về tuyển sinh cho thí sinh nắm
Liên quan đến vấn đề điểm sàn, bà Kim Phụng cho rằng sẽ không có chuyện bỏ điểm sàn trong năm 2017, mà dự thảo quy chế tuyển sinh chỉ đưa lên lấy ý kiến của xã hội với dự kiến Bộ GD sẽ không quy định điểm sàn chung nữa mà để cho các trường tự xác định điểm sàn của từng trường.
Bà Phụng lý giải: “Bộ đưa ra dự kiến này bởi vì xét trên phạm vi tổng thể các trường tốp cao luôn lấy trên mức điểm sàn nên gần như không quan tâm nhiều đến điểm sàn. Còn các trường không ở tốp cao thì đã kết hợp với hình thức xét tuyển bằng học bạ của cả quá trình 3 năm học THPT chứ không chỉ dựa vào kết quả của một kỳ thi. Vì vậy, 2 năm gần đây điểm sàn không còn nhiều ý nghĩa đối với việc xét tuyển.
Chính vì vậy Bộ thấy rằng có thể thời điểm không cần thiết quy định điểm sàn chất lượng mà mở rộng quyền tự chủ giao cho các trường tự xác định điểm sàn riêng phù hợp điều kiện tuyển sinh của trường mình”.
Thí sinh đặt câu hỏi cho các chuyên gia tại ngày hội tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh diễn ra ngày 15/1
Bên cạnh đó, theo bà Kim Phụng, dù giao quyền tự chủ cho các trường nhưng vẫn kết hợp hàng loạt các quy định khác về công khai thông tin. Trong dự thảo quy chế tuyển sinh có phụ lục đề án tuyển sinh của các trường, trong đó phải công bố các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường: đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ học tập, giảng dạy, quy mô đào tạo, tỷ lệ việc làm của sinh viên sau 12 tháng tốt nghiệp; điểm chuẩn trúng tuyển của 2 năm liền kề…
Tất cả những công bố đó sẽ xác định điều kiện chất lượng của trường đó. Do đó, việc Bộ không quy định điểm sàn chung sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng chung. Đồng thời, chỉ tiêu tuyển sinh luôn luôn là một con số hữu hạn và năm nay cũng khoảng 400.000 chỉ tiêu. Do đó, Bộ không quy định điểm sàn không ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào ĐH. Tuy nhiên, Bộ cũng sẽ lắng nghe ý kiến thí sinh, phụ huynh để có một quyết định hợp lý nhất.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, năm nay, thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc với đăng ký dự thi THPT quốc gia. Sau khi có kết quả tuyển sinh đại học thì các trường ĐH công bố điểm sàn của trường mình thì thí sinh được quyền điều chỉnh nguyện vọng mình đã đăng ký phù hợp với số điểm đạt được cũng như công bố của các trường. Cũng theo bà Phụng, theo nguyên tắc thì điểm sàn là điểm không được hạ xuống dù trường tuyển vào có thiếu chỉ tiêu hay không.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc hướng nghiệp cho học sinh, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Nông Lâm Thành TPHCM cho rằng: Trước khi lựa chọn ngành học, trường học, thí sinh cần xác định được ngành nghề mà bản thân mình yêu thích và sẽ theo đuổi trong tương lai. Từ đó, lựa chọn những ngành học liên quan, phù hợp với ngành nghề bản thân yêu thích để học.
Cùng với đó, thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn các ngành học của các trường để lựa chọn được ngành, trường phù hợp với năng lực bản thân. Việc lựa chọn ngành học, trường học không chỉ dựa trên các yếu tố về cơ hội việc làm, mức tuyển sinh đầu vào… mà phải xuất phát từ năng lực, niềm đam mê, sở thích của bản thân, từ đó mới có thể phát huy được khả năng trong quá trình học tập cũng như làm việc sau khi ra trường.
TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Nông lâm TPHCM trao đổi với thí sinh
Trước thực trạng nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp, rất nhiều học sinh băn khoăn về cơ hội việc làm sau khi ra trường của các ngành học. Về vấn đề này, các chuyên gia tư vấn chia sẻ, việc sinh viên ra trường có việc làm hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như số việc làm được tạo ra, cơ cấu ngành nghề, đặc biệt là năng lực của sinh viên.
Do vậy, bản thân mỗi sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần chủ động trau dồi cả về chuyên môn cũng như các kỹ năng cần thiết khác để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động; nhất là áp lực cạnh trạnh của thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập ngày càng gay gắt hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay vấn đề đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang rất quan tâm thông qua nhiều chính sách, hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích việc khởi nghiệp của giới trẻ. Do vậy, bản thân mỗi người trẻ cũng không nên quá trông chờ vào việc đi học đại học để xin việc làm ở một nơi nào đó, mà cần đổi mới tư duy, trong đó cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề khởi nghiệp, tự tạo việc làm cho bản thân cũng như cho xã hội.
Đây là năm thứ 15 chương trình ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do báo Tuổi trẻ phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức, tạo cầu nối để các trường ĐH,CĐ và thí sinh có cơ hội tìm hiểu các thông tin tuyển sinh rõ hơn.
Nguồn : dantri.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét